Cách dự phòng và phát hiện bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên (độ tuổi từ 10-19 tuổi). Đây là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bước đầu hình thành nhân cách và là giai đoạn đánh dấu bước phát triển lớn từ phạm vi gia đình, trẻ bước đầu gia nhập vào tập thể, vào xã hội và phát triển những kỹ năng. Thời kỳ vị thành niên được đặc trưng bởi sự phát triển nhanh cả về trí tuệ lẫn thể lực. Do vậy, trước những tác động không thuận lợi của môi trường mà trẻ chưa thích nghi được, dễ dẫn đến những phản ứng cảm xúc – hành vi lệch lạc mà nổi bật là trầm cảm.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng trên 200 triệu người bị rối loạn trầm cảm điển hình, nghĩa là khoảng 5% dân số toàn cầu mắc bệnh này, ở Viêt Nam tỷ lệ này là 2,8%. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tự sát, có khoảng 45-70% những người tự sát mắc bệnh trầm cảm. Tần suất trầm cảm thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nghề nghiêp, giới tính, trình độ, mức sống, văn hoá, xã hội và lứa tuổi. Tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở trẻ em là 0,4 – 2,5%, tỷ lệ này ở trẻ vị thành niên từ 0,4 – 8,3%, trong đó trầm cảm nặng chiếm khoảng 15% – 20%.

1. Nguyên nhân trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên

Lý do hay gặp là áp lực của học tập như kết quả thi kém, không thi đậu được vào trường như mong muốn, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Đa số trẻ muốn thoát khỏi sự bảo hộ của bố mẹ, muốn độc lập nhưng lại mâu thuẫn với khả năng có hạn của mình. Sự quan tâm của bố mẹ bị giảm sút cũng làm trẻ thêm hoang mang. Một số yếu tố ảnh hưởng như:

– Tổn thất tình cảm: Người thân qua đời, quan hệ bố mẹ căng thẳng, li thân, li hôn, hay bố mẹ mắc trầm cảm, gia đình ít tham gia hoạt động xã hội.
– Lòng tự trọng bị tổn thương: Kết quả học không tốt, tướng mạo không như ý, bị miệt thị hoặc bị bỏ rơi.
– Tính cách cô độc, hướng nội, xa lánh mọi người hoặc yêu quá sớm dễ dẫn tới trầm cảm nghiêm trọng, tự sát hoặc giết người.
– Tính công kích: Một trẻ vị thành niên mất đi sự tự tin hoặc bị dày vò về tâm hồn sẽ thể hiện tính công kích nhưng không thể hiện được. Khi đó trẻ lại biến những xung đột đó thành trầm cảm, càng muốn công kích trầm cảm càng nặng.

2. Cách nhận biết bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên

Bệnh trầm cảm không khó để nhận biết nếu chúng ta dành thời gian quan tâm, để ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ. Trẻ có thể bị bệnh trầm cảm nếu thường có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mất quan tâm thích thú với những hoạt động mà trẻ thường thích kèm theo là mệt mỏi, không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, trong ít nhất hai tuần.

Ngoài ra, trẻ có thể khó tập trung chú ý trong học tập, trẻ thu mình tránh tiếp xúc với mọi người hay tuyệt vọng, luôn cho mình là người kém cỏi, bi quan về tương lai có thể đưa đến ý tưởng và hành vi tự sát. Một số khác còn có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon miệng…

Trầm cảm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần rất tích cực nâng cao hiệu quả phục hồi cho người bệnh.

(Ảnh minh họa)

3. Cách phòng tránh bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên

Cuộc sống ở lứa tuổi vị thành niên có thể ví như đồ thuỷ tinh, đẹp, trong suốt nhưng rất dễ vỡ. Do vậy để tránh cho con mình rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ về đời sống tinh thần, mối quan hệ bạn bè, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống của chúng. Đặc biệt không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, răn dạy cho trẻ hiểu.

(Ảnh minh họa)

Những điều bạn cần làm nếu nghĩ con mình có thể bị trầm cảm:

– Trò chuyện với con về những chuyện xảy ra ở nhà, ở trường và ngoài trường. Cố gắng tìm hiểu xem có điều gì đang làm cho con bạn lo lắng.
– Nói chuyện với những người biết con bạn mà bạn tin tưởng.
– Gặp bác sĩ để xin lời khuyên.
– Bảo vệ con bạn tránh những căng thẳng quá mức, ngược đãi, bạo hành.
– Đặc biệt chú ý tới sức khỏe của con trong những giai đoạn thay đổi của cuộc đời như bắt đầu đi học hoặc dậy thì.
– Khuyến khích con ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích.
– Dành thời gian chơi với con.
– Hãy lập tức tìm sự trợ giúp của người có chuyên môn nếu con bạn có ý định tự gây tổn thương cho chính mình hoặc đã làm như vậy.

 

Hãy nhớ: Nếu bạn nghĩ con mình có thể bị trầm cảm, hãy nói chuyện với con về những lo lắng, e ngại của nó và tìm trợ giúp chuyên môn nếu cần.

 

 

 


(Ảnh minh họa)

 

Tài liệu tham khảo:

BS Đào Thị Nhung/ Phòng Chỉ đạo tuyến
trang web đánh lô đề online uy tín tldp